Một số nội dung mới trong quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi, bổ sung một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc xử lý kỷ luật tại khoản 1, Điều  1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP gồm:

- Sửa đổi nội dung liên quan giữa kỷ luật về đảng và kỷ luật về mặt chính quyền, cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP.

Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP; nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.

Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

- Bổ sung thêm nguyên tắc “Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.”

Thứ hai, người bị xem xét kỷ luật đang mang thai vẫn có thể bị kỷ luật

Đây cũng là một điểm mới tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP về kỷ luật cán bộ công chức viên chức. Theo đó, nếu quy định cũ không cho trường hợp ngoại lệ chưa xem xét xử lý kỷ luật thì tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã đưa ra một trường hợp ngoại lệ vẫn xem xét kỷ luật với các đối tượng này. Đó là, nếu người bị xem xét kỷ luật là nữ giới đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 01 tuổi hoặc là nam đang nuôi con dưới 01 tuổi (nếu vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng) có văn bản đề nghị xem xét kỷ luật. Như vậy, các đối tượng trên được chưa xem xét kỷ luật, trừ trường hợp những người này chủ động gửi văn bản đề nghị xem xét thì vẫn sẽ áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật như quy định.

Thứ ba, tăng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh định nghĩa thời hiệu xử lý kỷ luật. Theo đó, quy định mới định nghĩa đây là thời hạn mà hết thời hạn này cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị kỷ luật.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP đang căn cứ theo định nghĩa tại khoản 16 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức năm 2019 là thời hạn mà nếu hết thì cán bộ, công chức sẽ không bị xử lý kỷ luật. Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm đối tượng viên chức, người nghỉ hưu, người nghỉ việc để phù hợp với quy định về việc vẫn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc mà phát hiện ra hành vi vi phạm kỷ luật.

Trên đây là một số điểm mới nổi bật được sửa đổi, bổ sung trong quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP còn quy định một số nội dung như hướng dẫn việc tính lại thời điểm áp dụng thời hiệu, sửa đổi tiêu chí của hình thức kỷ luật khiển trách, thay đổi trình tự, thủ tục kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, …

Nghị định số 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và không xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực, trừ trường hợp giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quyết định khác về việc xử lý kỷ luật đã có hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực./.

                                                                                Thanh Thảo

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 317
  • Tất cả: 1902460

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TRÀ VINH
 
 - Đơn vị quản lý: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
 - Địa chỉ: số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
 - Email:stp@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862972 - Fax: 0294.3862972

Ghi rõ nguồn www.stp.travinh.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.

Thành viên Ban biên tập |  Cộng tác  |  Sơ đồ web
 

           


 Chung nhan Tin Nhiem Mang