MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN VÀ TẶNG CHO TÀI SẢN THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

Hỏi:

Theo quy định của pháp luật hợp đồng mua bán tài sản là gì?

Đáp:

Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

- Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở và luật khác có liên quan.

Hỏi:

Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản được quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 431 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Tài sản được quy định tại Bộ luật Dân sự đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó.

- Tài sản bán thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.

Hỏi:

Chất lượng của tài sản mua bán được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 432 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận.

- Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

- Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hỏi:

Giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 433 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.

- Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

Hỏi:

Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 434 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

- Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

- Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Hỏi:

Địa điểm giao tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ khoản 2 Điều 277, Điều 435 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Địa điểm giao tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao tài sản được xác định là:

+ Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;

+ Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản. Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hỏi:

Phương thức giao tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 436 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Tài sản được giao theo phương thức do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.

- Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hỏi:

Trách nhiệm do giao tài sản không đúng số lượng trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 437 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Trường hợp bên bán giao tài sản với số lượng nhiều hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì phải thanh toán đối với phần dôi ra theo giá được thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thỏa thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

+ Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;

+ Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;

+ Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Hỏi:

Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ các Điều 438, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Trường hợp vật được giao không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

+ Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ;

+ Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất thỏa thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá 20%/năm của số tiền đã trả; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả tiền và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.

Hỏi:

Trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 439 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

+ Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.

+ Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.

+ Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

- Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hỏi:

Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ các Điều 357, Điều 440 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

- Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

- Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả như sau: Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá 20%/năm của số tiền chậm trả; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả tiền.

Hỏi:

Thời điểm chịu rủi ro trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 441 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hỏi:

Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 442 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo chi phí đã được công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

- Trường hợp không có căn cứ xác định theo các quy định nêu trên thì chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng.

- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phải chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu.

Hỏi:

Bên bán có nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng tài sản như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 443 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hỏi:

Bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán trong hợp đồng mua bán tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 444 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp.

- Trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hỏi:

Chất lượng vật mua bán được bảo đảm như thế nào trong hợp đồng mua bán tài sản?

Đáp:

Căn cứ Điều 445 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

- Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:

+ Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

+ Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

+ Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.

Hỏi:

Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?

Đáp:

Căn cứ Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Hỏi:

Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực từ thời điểm nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Hỏi:

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực từ thời điểm nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Hỏi:

Trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình trong hợp đồng tặng cho tài sản được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 460 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

Trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

Hỏi:

Nghĩa vụ thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho được quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 461 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hỏi:

Tặng cho tài sản có điều kiện được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như thế nào?

Đáp:

Căn cứ Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

- Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO 

 Bộ luật Dân sự 2015.

Nguyễn Thị Mỷ Huyền - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 54
  • Trong tuần: 580
  • Tất cả: 1903599

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TRÀ VINH
 
 - Đơn vị quản lý: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
 - Địa chỉ: số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
 - Email:stp@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862972 - Fax: 0294.3862972

Ghi rõ nguồn www.stp.travinh.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.

Thành viên Ban biên tập |  Cộng tác  |  Sơ đồ web
 

           


 Chung nhan Tin Nhiem Mang