Chia tài sản khi ly hôn cần bảo vệ quyền lợi phụ nữ
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng mỗi con người, là môi trường quan trọng để hình thành và phát triển mỗi con người. Thật vậy, trong buổi hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10/10/1959, Bác Hồ dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”

Tại Điều 36 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Đồng thời tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  cũng có quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

Nhưng đâu đó vẫn còn những gia đình đứng trên bờ vực tan vỡ, cả hai đều thuận tình ly hôn nhưng mất 14 năm để chấm dứt quan hệ hôn nhân và phân chia tài sản. Một khoảng thời gian quá dài để cả hai có thể bắt đầu một cuộc sống mới sau một cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ vì không thống nhất được tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đó chính là những gì xảy ra trong vụ án “Ly hôn, tranh chấp về chia tài sản và yêu cầu giải quyết nợ chung khi ly hôn” dưới đây:

Bà T.T.K và ông T.B.L xác lập quan hệ hôn nhân từ năm 1979 nhưng không đăng ký kết hôn, ông bà chung sống hạnh phúc nhưng đến khoảng năm 2009 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn. Theo lời bà K thì do ông L có quan hệ với người phụ nữ khác bên ngoài, không quan tâm vợ con. Còn theo ông L, do giữa vợ chồng bất đồng ý kiến trong cuộc sống chung nên thường xuyên cự cãi, bà K với cha mẹ chồng không hòa thuận với nhau. Dẫn đến ông bà đã tự sống ly thân từ năm 2009 đến nay mà không hàn gắn được.

Về hôn nhân, bà K và ông L thuận tình ly hôn với nhau. Về con chung và nợ chung đều đã giải quyết xong nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về tài sản chung, giữa bà K và ông L có 02 thửa đất như sau:

- Thửa đất số 265, tờ bản đồ số 6, có diện tích 4.259,6m2, tọa lạc tại ấp Đ.G, xã P.T, huyện C.L, tỉnh Trà Vinh (gọi tắt là thửa đất số 265) do hộ T.B.L đứng tên quyền sử dụng đất, được cấp quyền sử dụng đất năm 1996. Bà K xin được hưởng phần hiện trạng đất đang sử dụng là 2.154,1m2, giao phần diện tích 2.105,5m2 cho ông L hưởng và bà K không thanh toán giá trị chênh lệch cho ông L. Về phía ông L thì không đồng ý chia thửa đất này mà yêu cầu xác định toàn bộ thửa đất này là di sản thừa kế của cụ T.Đ (cha ruột ông L) để lại cho ông nên ông xin hưởng hết thửa đất này.

- Thửa đất số 175, tờ bản đồ số 37, có diện tích 549,7m2, tọa lạc tại ấp Đ.G, xã P.T, huyện C.L, tỉnh Trà Vinh (gọi tắt là thửa đất số 175) do hộ T.B.L đứng tên kê khai đăng ký quyền sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong này có một phần diện tích do bà K và ông L mua lại của bà T.T.S nhưng không rõ diện tích, trên đất có một căn nhà trên và một căn nhà dưới, nhà trên nguồn gốc của cụ T.Đ chết để lại hiện đóng cửa, nhà dưới là nhà chung do bà K và ông L xây dựng nối liền với nhà trên. Bà K yêu cầu được hưởng phần diện tích 318,5m2 theo diện tích đo đạc, diện tích còn lại 231,2mvà tài sản trên phần diện tích này giao ông L hưởng. Yêu cầu ông L thanh toán giá trị phần nhà dưới cho bà là 38.000.000 đồng và bà không thanh toán lại cho ông L phần diện tích chênh lệch. Về phía ông L, ông cho rằng nguồn gốc đất là của cụ T.Đ chết để lại cho ông quản lý, ông chỉ đại diện các anh em của ông đứng tên kê khai quyền sử dụng đất. Đây không phải tài sản chung của ông và bà K, cũng không có phần diện tích nào là mua lại từ bà T.T.S, nên ông L không đồng ý chia thửa đất này mà muốn giữ lại toàn bộ thửa đất làm di sản thờ cúng cha mẹ.

Năm 2015, bà K là người dân tộc thiểu số cư trú vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí nên có đơn yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Quan điểm của trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn - bà K trình bày: những nội dung mà 02 bên đương sự đã thống nhất đề nghị được ghi nhận. Về thửa đất số 256, bà K xác định là tài sản chung và yêu cầu chia làm hai là có cơ sở, bởi trong thời kỳ hôn nhân thì cả hai cùng sử dụng thửa đất này, hưởng hoa lợi chung. Ông L trình bày được cho tặng riêng nhưng không chứng minh được. Bà K xin được hưởng phần diện tích nhiều hơn nhưng chênh lệch không lớn, bà K đã lớn tuổi, hoàn cảnh hiện tại khó khăn, ông L bỏ đi mười mấy năm qua các con đều do bà K nuôi dưỡng khôn lớn. Đối với thửa đất số 175, đề nghị Hội đồng xét xử xác định là tài sản chung, do từ năm 1977 thì bà K và ông L đã cùng sinh sống trên thửa đất này với cha mẹ chồng, cùng quản lý, sử dụng đất chung. Thửa đất số 175 trước giờ chưa được cấp quyền sử dụng đất, năm 1983 mặc dù cụ T.Đ có đứng tên kê khai nhưng đến năm 1996 ông L đã đứng tên kê khai lại trong sổ mục kê trong thời kỳ hôn nhân với bà K. Quá trình ở trên đất, bà K có đóng góp công sức sữa chữa, tu bổ nhà ở, phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Ngày 31/01/2024, phiên tòa sơ thẩm đã khép lại với quyết định từ Hội đồng xét xử như sau: ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa bà K và ông L về quan hệ hôn nhân, con chung và các khoản tiền khác. Xác định thửa đất số 265 và thửa đất số 175 là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bà K và ông L. Diện tích phân chia cụ thể:

- Bà K được quyền sử dụng diện tích 2.154,1m2 thuộc một phần thửa đất số 265, diện tích 318,5m2 thuộc một phần thửa đất số 175 và sở hữu các tài sản trên đất. Bà K có nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch giá trị tài sản cho ông L bằng số tiền 14.519.000đ (mười bốn triệu năm trăm mười chín nghìn đồng).

- Ông L được quyền sử dụng diện tích 2.105,5m2 thuộc một phần thửa đất số 265, diện tích 231,2m2 thuộc một phần thửa đất số và sở hữu các tài sản trên đất. Ông L được quyền sở hữu số tiền chênh lệch giá trị tài sản mà bà K thanh toán là 14.519.000đ (mười bốn triệu năm trăm mười chín nghìn đồng).

Kết thúc phiên tòa, có thể quan hệ hôn nhân và quan hệ tài sản đã được giải quyết nhưng những hệ lụy trong suốt 14 năm mâu thuẫn đã không thể hóa giải được. Ly hôn rõ ràng là cách để 2 vợ chồng “giải thoát” cho nhau khi không thể dung hòa trong cuộc sống hôn nhân nhưng lại là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến những người con và sự phát triển bền vững của xã hội. Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh đã thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà K - nguyên đơn trong vụ án trên. Từ đó đã góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ sau khi ly hôn, tuyên truyền đến người dân những quy định của pháp luật về quan hệ hôn nhân và quan hệ tài sản để người dân có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần xây dựng đất nước công bằng, xã hội văn minh./.

 

 

Trương Thị Diểm Triên - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 396
  • Tất cả: 1902253

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TRÀ VINH
 
 - Đơn vị quản lý: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
 - Địa chỉ: số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
 - Email:stp@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862972 - Fax: 0294.3862972

Ghi rõ nguồn www.stp.travinh.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.

Thành viên Ban biên tập |  Cộng tác  |  Sơ đồ web
 

           


 Chung nhan Tin Nhiem Mang