Sở Tư pháp tham dự Hội Nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tại huyện Cầu Ngang
  Thực hiện Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tại huyện Cầu Ngang. Ngày 09 tháng 11 năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở tại huyện, đến dự có ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn bản, Phổ biến và Theo dõi thi hành pháp luật - Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang (chủ trì Hội nghị), ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện, đại diện Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Ban Dân vận huyện, Tòa án nhân dân huyện, Phòng Nội vụ, Hội Luật gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, công chức Tư pháp - Hộ tịch, đại diện 15 tập thể Tổ hòa giải và hòa giải viên được khen thưởng qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Ngang.

 

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp thông qua báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện, gợi ý thảo luận cho đại biểu tham dự. Đồng thời, đại diện các Tổ hòa giải, hòa giải viên tham dự Hội nghị trình bày các tham luận cũng như các ý kiến đề xuất và giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở thời gian tới. Bên cạnh đó, đại diện Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, Tòa án nhân dân huyện cũng phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; phân tích, hướng dẫn các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở của các Tổ hòa giải, hòa giải viên, nhất là hướng dẫn các bên đương sự gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành theo Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở tại Tòa án nhân dân cấp huyện.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn bản, Phổ biến và Theo dõi thi hành pháp luật đánh giá qua chặng đường 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, chúng ta đều nhận thấy rõ công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Ngang nói riêng và cả tỉnh nói chung ngày càng đi vào nề nếp, chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, tiến bộ đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ mái ấm gia đình, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng và trong xã hội; bên cạnh hòa giải ở cơ sở còn là một kênh quan trọng để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Nhân dân và thực hiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng cấp xã, huyện đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Qua báo cáo tổng kết của Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang đã thể hiện tương đối đầy đủ về tình hình, kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân địa phương ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về công tác hòa giải ở cơ sở, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội; các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị nhất là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của huyện và cấp xã đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở; chất lượng đội ngũ hòa giải viên từng bước được nâng lên, công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên được chú trọng thực hiện hàng năm; xây dựng mô hình hòa giải hiệu quả; tập trung nâng cao tỷ lệ hòa giải thành … 

 

Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới góp phần hoàn thành, đạt chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở địa phương các cấp chính quyền địa phương Cầu Ngang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị địa phương; các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu nhất là cấp xã cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả.

- Phối hợp rà soát, nhận diện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.

- Thường xuyên, kịp thời củng cố kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải ở cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của hòa giải viên ở cơ sở trong đời sống xã hội.

- Phải gắn công tác hòa giải ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự trị an tại địa phương nhất là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” … Quan tâm đầu tư cho công tác hòa giải ở cơ sở về cơ sở vật chất, phương tiện, nhất là kinh phí cần được phân bổ đảm bảo cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật (theo quy định mới các mức chi đều tăng lên, trong đó có chi thù lao cho hòa giải viên và các khoản chi phí khác như: chi thù lao 300.000 đồng/vụ, việc hòa giải; trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật HGOCS là 400.000 đồng/vụ, việc). Đồng thời huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; khuyến khích các cá nhân có năng lực, uy tín, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

- Tăng cường hơn nữa vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và sự phối hợp của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện và cấp xã, nhất là phát huy mạnh mẽ vai trò của Ban công tác Mặt trận ấp, khóm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các hòa giải viên ở cơ sở đã đóng góp tích cực có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện.

Đối với mỗi hòa giải viên ở cơ sở cần thực hiện tốt vai trò hạt nhân, tiêu biểu, gương mẫu trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và làm tốt công tác này; luôn trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, đổi mới, sáng tạo phương pháp, cách thức hòa giải hay, xây dựng mô hình hòa giải hiệu quả để giới thiệu, điển hình, nhân rộng; phấn đấu nâng tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành đạt từ 90% trở lên theo chỉ tiêu, tiêu chí CTCPL đối với xã NTM nâng cao. Qua Hội nghị tổng kết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã tặng Giấy khen cho 15 Tổ hòa giải và 15 hòa giải viên có thành tích xuất sắc qua 10  thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện./.

Hoàng Tâm

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 490
  • Tất cả: 1902199

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH TRÀ VINH
 
 - Đơn vị quản lý: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
 - Địa chỉ: số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
 - Email:stp@travinh.gov.vn - Điện thoại: 0294.3862972 - Fax: 0294.3862972

Ghi rõ nguồn www.stp.travinh.gov.vn khi sử dụng thông tin trên website này.

Thành viên Ban biên tập |  Cộng tác  |  Sơ đồ web
 

           


 Chung nhan Tin Nhiem Mang